THÁNG NĂM TRONG KÝ ỨC TUỔI THƠ
Cuộc đời con người luôn gắn với thời gian. Thời gian trôi đi, ngày này qua ngày khác và con người sống, trải nghiệm với bao niềm vui, nỗi nhớ, vất vả, cực nhọc, suy tư... thành công có nhưng thất bại cũng là điều khó tránh khỏi. Sinh thời, ở cái tuổi “làm ăn”, mải mê với công việc mưu sinh, phấn đấu, đôi khi ta lãng quên với thời gian đang thu hẹp dần đời mình, đến khi có dịp “nghỉ ngơi”, chợt ngoảnh lại đã thấy mình “bước sang bên kia dốc của đời” rồi! Ấy là lúc ta có điều kiện suy ngẫm những gì ta đã chứng kiến, đã trải qua với bao điều nhớ, điều quên...Tuy nhiên, một vấn đề mà đa số chúng ta có lẽ cùng chung một ý nghĩ: đó là khó có thể quên những kỷ niệm về một thời thơ ấu, mặc dù nó cách cuộc sống hiện tại của ta hàng vài chục năm. Với tôi cũng vậy, những gì gắn bó với tuổi ấu thơ hầu như chưa bao giờ phai mờ trong ký ức. Một trong những kỷ niệm in dấu ấn trong cuộc đời ngoài “lục tuần” của tôi - một giáo dân, cũng là người hay hoài niệm – đó là không khí của Lễ hội rước kiệu hoa và Dâng hoa kính Đức Mẹ trong tháng Năm ở quê mình.
Tôi sinh ra cuối thời kỳ kháng chiến chống Pháp, và lớn lên ở một vùng quê có thể gọi là nghèo khó lúc đó. Cả làng trông vào nghề làm ruộng và kiếm cá, kiếm tôm. Theo lời kể của ông già, bà cả trong làng thì nơi này đã theo đạo Công giáo từ vài trăm năm trước, đã có nhiều Thánh tử đạo trong thời kỳ cấm cách thời phong kiến cuối thế kỷ XIX; một làng “thuần nông” và “thuần đạo”. Bọn trẻ cùng trà cùng trật với tôi gắn bó tuổi thơ của mình với dòng sông, bến nước và đặc biệt là ngôi Thánh đường cổ kính được xây dựng vào đầu thế kỷ XX. Nhà thờ không lớn nhưng ấm cúng với hai hàng cột gỗ lim và mái ngói rêu phong, sân lát gạch bát tràng, kiểu dáng giản dị mà theo nhận thức của tôi lúc đó, nhà thờ giống như một ngôi nhà ở thôn quê, có điều là nó to lớn hơn mà thôi! Chuông nhà thờ làng tôi lúc đó không phải chuông giật dây mà là loại chuông như ở chùa, đánh bằng vồ gỗ nhưng cũng rất vang và ngọt. Sáng, trưa, chiều tối, tiếng chuông ngân nga khắp một vùng hòa với tiếng sáo diều thật thanh bình, gợi cảm. Sau này khi đi xa, tôi vẫn hoài niệm về nơi chôn rau cắt rốn của mình:
Làng tôi trải dọc bờ sông
Bình minh sóng gợn nắng hồng xôn xao
Bờ tre gọi gió rì rào
Nghe như tiếng mẹ ngọt ngào ru con
Chuông chiều buông tím hoàng hôn
Đêm xa thao thức bồn chồn nhớ quê...
Lễ Phục sinh khép lại tuần bát nhật, bầu trời cuối xuân đang có vẻ âm u bỗng bừng sáng với ánh mặt trời. Hoa xoan rụng đầy ngõ. Hoa gạo chúm chím rồi bung ra đỏ chói ven đê. Tiếng ve ran trên các rặng cây. Tháng năm, tháng Dâng hoa kính Đức Mẹ đến rồi! Cả làng, nhất là bọn trẻ, cả nam, cả nữ đều háo hức như chào đón một sự kiện đặc biệt của đời sống người giáo dân. Thời ấy, trừ các sinh hoạt vui hát của thiếu nhi do các anh chị thanh niên tổ chức, thì Dâng hoa tựa như một ngày hội của làng xóm vậy. Các bà, các chị đua nhau đưa con cháu mình tới nhà thờ để ông Trùm, bà Trùm, ông bà Quản chọn lựa, sắp xếp đội hình và hướng dẫn tập luyện (lúc đó không có khái niệm “Ban hành giáo”, “Ban tổ chức”...như bây giờ nhưng công việc được thực hiện đâu vào đó). Làng tôi có 4 xóm trong đó có 1 xóm theo đạo Phật). Đội hình dâng hoa được chia làm 3 đội, mỗi xóm cử một đội chừng 40 đến 50 thành viên nữ tuổi từ 10 đến 13. Chúng tôi là con trai nên không được tham gia đội dâng hoa nhưng cũng vui và háo hức chẳng kém các bạn hoặc các chị trên tuổi mình. Tôi còn nhớ hồi đó, tối thứ 3,5,7 trong tuần đều có dâng hoa tại nhà thờ. Cho đến bây giờ, không khí đêm dâng hoa ngày ấy vẫn còn sống động trong tôi, nhiều lúc hiển hiện cả trong những giấc mơ êm đềm về làng quê của mình. Để chuẩn bị hoa, ngay từ buổi sáng và buổi chiều hôm dâng hoa, các bà, các mẹ đã phải chuẩn bị mâm hoa cho con cháu mình. Hoa phổ biến nhất là hoa đại (người Lào gọi là hoa chăm pa). Hoa đại thường trồng ở đình chùa, màu trắng hoạc màu đỏ, hương rất thơm. Cũng may là làng tôi có một xóm theo đạo Phật, trong sân chùa trồng mấy cây hoa đại. Biết xóm giáo có hội dâng hoa, bà con xóm chùa đã vui lòng cho các bà các chị xóm giáo trảy bớt những bông hoa trên cây vì làng tôi vốn có truyền thống đoàn kết lương giáo bền chặt từ xưa nên mặc dù khác tôn giáo nhưng việc gì cũng ủng hộ nhau. Con gái, con trai trong làng vẫn chơi thân và nếu thương yêu nhau vẫn kết nên vợ nên chồng. Khi hoa đại ở chùa đã vãn, các bà, các chị lại phải đi xa hơn, thậm chí lên cả Đền Hùng cách nhà 7,8 cây số để xin hoa. Chúng tôi không được cử dâng hoa nhưng việc hái hoa thì luôn được nhờ vả vì con trai thạo việc leo trèo. Chúng tôi ngắt nhẹ những bông hoa nở vừa tầm cho vào túi vải trao cho các bà, các chị, các bạn đã đón chờ sẵn dưới gốc cây. Tiếng gọi, tiếng cười ríu rít thật thích thú. Để có được mâm hoa rực rỡ, đẹp mắt còn phải có nhiều công đoạn nữa. Trước tiên phải lấy chỉ trắng cuốn chặt từng bông hoa theo hình búp măng thật đều nhau. Hoa đại được xếp trên mâm bồng sơn son thếp vàng có tiện nhiều vòng to, nhỏ. Người xếp hoa phải rất khéo léo để mâm hoa thật tròn và cân đối, chặt chẽ từ mặt đến chóp mâm bồng. Xen giữa các lớp hoa đại là các viền trang trí bởi các loại hoa khác như cánh râm bụt (màu đỏ), nụ hoa lan (màu xanh), hoa cúc (màu vàng)... Để “tiết kiệm” hoa, cũng là tạo sự kết nối vững chắc cho mâm hoa (vì khi dâng hoa, có nhiều động tác di chuyển) nên khoảng giữa mâm hoa còn được phụ thêm các loại lá (vông, thầu dầu...) cắt theo hình tròn hoặc lục giác. Mâm hoa xếp xong, được đưa đi đưa lại theo các động tác dâng hoa, nếu có gì chưa ổn phải dỡ ra xếp lại từ đầu. Thật là một công việc tỉ mỉ và nghệ thuật. Bọn con trai chúng tôi ngồi vây xung quanh các bà, các mẹ vừa giúp việc vừa xem không chán mắt.
Bảy giờ tối, tiếng chuông nguyện kinh vang lên, cả ngôi nhà thờ đã chật cứng người dự. Đội dâng hoa (còn gọi là con hoa) trong trang phục áo dài truyền thống, váy trắng hoặc áo tứ thân màu sắc rực rỡ, đầu đội mũ kiểu "triều thiên" có cắm nhiều bông hoa đẹp, đỉnh mũ có hình Thánh giá, đã tề tựu đông đủ từ trước. Hai hàng ghế nhà thờ được kê gọn sang hai bên để dành một khoảng trống khá lớn ở giữa cho đội dâng hoa. Tượng Đức Mẹ Maria được đặt trang trọng gần giáp với khu vực bàn thờ chính. Trông Mẹ thật hiền từ như người bà, người mẹ của mình vậy.
Người cầm chịch trong nghi lễ dâng hoa (cũng là người huấn luyện các em) sử dụng một trống khẩu để điều khiển. Ba hồi chín tiếng trống cất lên giòn giã báo hiệu cuộc dâng hoa bắt đầu. Bà cầm chịch cất tiếng hát. Tôi còn nhớ lúc đó bà đã khá nhiều tuổi nhưng giọng rất cao và rất trong. Chiếc dùi trống trong tay bà như múa và tiếng trống thật có hồn. Tất cả các điệu múa, hát của đội dâng hoa đều theo nhịp trống khẩu. Các điệu múa này thường nhẹ nhàng, uyển chuyển, khiêm cung. Tay bưng mâm hoa, các con hoa lượn theo hình số 8, hình ngôi sao, trái tim, chữ A, chữ M, chữ S...kết hợp với các động tác như bái quỳ, khấu đầu, dâng hoa trước tượng Đức Mẹ... miệng hát những bài "vãn hoa"."Vãn hoa" là nhứng lời hát theo một số giai điệu truyền thống của mỗi vùng công giáo (tựa như làn điệu dân ca địa phương - tiếc rằng hiện nay ít người nghiên cứu hoặc ghi âm loại "vãn" này). Lời các bài "vãn" ngợi ca, xin ơn Đức Chúa Trời, Đức Mẹ ban cho quê hương, giáo phận, dân làng, con cháu được bình an, hoà thuận, no ấm. Phần cuối của nghi thức dâng hoa là từng nhóm con hoa (đỏ, trắng, vàng, tím, xanh) hoặc mượn điển tích và hương thơm của 7 loài hoa quí ( quì, sen, lê, cúc, mai, mẫu đơn, lan) vừa hát vừa tiến lên đặt mâm hoa trước tượng Đức Mẹ.
Trong buổi dâng hoa, tôi thích nhất là các động tác lượn của các con hoa. Động tác này cần có sự uyển chuyển, đặc biệt là phải chính xác tuyệt đối, vì nếu không khéo các con hoa sẽ va chạm vào nhau, thậm chí có thể đổ cả mâm hoa. Tiếc thay thời ấy đâu có máy ảnh hoặc điện thoại di động như bây giờ để có thể ghi lại những ảnh hình ấy thì đáng quý biết bao!
Thông thường một buổi dâng hoa thời ấy bao gồm 3 phần: Giáo đầu, thăng đường và bái vịnh; Dâng hoa, ca ngợi công ơn Đức Mẹ; Cảm tạ Chúa, giãi bày lòng con thảo với mẹ hiền.Thời gian thực hiện nghi lễ dâng hoa chỉ chừng hơn một tiếng đồng hồ thôi nhưng thực sự là một màn biểu diễn nghệ thuật thật độc đáo. Từ ca từ của các làn điệu hát đến các động thái của con hoa đều kết hợp rất nhịp nhàng khiến người dự không khỏi xuýt xoa, cảm mến và rung động tâm can, thêm lòng sốt sắng kính Đức Mẹ, đặc biệt là trước giờ cử hành Thánh lễ sau khi kết thúc buổi dâng hoa.
Tháng năm này ở quê tôi vẫn tiến hành nghi lễ dâng hoa truyền thống kính Đức Mẹ. Nghi thức dâng hoa giờ đây đã có nhiều thay đổi, từ giai điệu, ca từ bài hát, động tác của con hoa, nhiều phương tiện hiện đại phụ trợ (trang âm, ánh sáng, dàn nhạc...) nhưng lắng đọng trong ký ức tuổi thơ tôi cách đây nửa thế kỷ về bầu khí những buổi dâng hoa thưở ấy vẫn còn sống động mãi mãi...
N.C.H
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét